Giá cước vận tải biển tăng cao, giải pháp nào “cứu cánh” doanh nghiệp

Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm tăng mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, kèm theo đó, giá cước vận tải biển cũng tăng nhanh chóng, trở thành rào cản “kìm nén” nhiều doanh nghiệp xoay mình, vận hành trở lại.

Giá cước vận tải biển tăng cao, giải pháp nào “cứu cánh” doanh nghiệp

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong quý đầu năm 2022 đạt 179,6 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt một phần tư kế hoạch năm. Dịch vụ vận tải biển ngày càng được nhiều doanh nghiệp tin tưởng, lựa chọn.

Giá cước vận tải biển tăng cao, doanh nghiệp phát tín hiệu “cầu cứu”

Những tháng gần đây, giá cước vận tải biển liên tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì chi phí vận chuyển tăng, gây áp lực cho xuất nhập khẩu. Xuất phát từ nhu cầu hàng hóa tăng đột biến, nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tiếp tục tăng khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển tăng mạnh. Cùng với đó, chi phí container cũng trở thành gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp. Nếu trước đây, giá cước thuê container chỉ khoảng 600 – 900 USD/container, thì giờ chi phí này đã ở mức 4000 – 6000 USD/container. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải chịu chi phí gấp 10 lần. Theo số liệu từ VASEP cho thấy, hiện giá cước vận tải ở nhiều tuyến đường biển đã lập mức kỷ lục cao mới hơn mức đỉnh của năm 2021.

Nguyên nhân giá cước vận tải biển tăng

Hiện nay, giá cước vận tải biển tăng mạnh được đánh giá qua các nguyên nhân:

Thứ nhất, sự ùn tắc tại các cảng biển lớn ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,… khiến nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tình trạng này làm cho thời gian quay vòng của tàu thêm 20% – 25% gây nên khủng hoảng thiếu tàu và vỏ container, làm giá cước vận chuyển container bị đẩy lên nhiều.

Thứ hai, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch đẩy khối lượng vận chuyển hàng hóa đường biển trên toàn cầu dự kiến tăng 6% – 8%/năm.

Thứ ba, doanh nghiệp bị thiếu container rỗng, cộng với việc kiểm soát dịch bệnh của nhiều nước còn nghiêm ngặt nên giá cước thuê container tăng lên, làm đội thêm các chi phí.

Thứ tư, vận tải biển của Việt Nam hiện nay còn lệ thuộc nhiều vào các nước khác dẫn đến việc tháo gỡ khó khăn chi phí, chủ động vận chuyển gặp nhiều cản trở gây nên nỗi bức xúc cho nhiều doanh nghiệp.

Nhiều xe hàng ùn tắc tại cảng biển

Giải pháp

Đứng trước thực trạng giá cước vận tải biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp gỡ nút thắt, tìm giải pháp thích ứng, vận hành để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ.

Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành thành lập Tổ công tác liên ngành (Bao gồm cả Bộ Công thương, Bộ Tài chính) để thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát các quy định về giá cước, phụ thu ngoài giá và các vấn đề khác, giải quyết tình trạng ùn tắc tại các bến cảng. Bên cạnh đó, Bộ GTVT hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm tối đa các chi phí nhằm giảm thiểu những thiệt hại, chi phí mà họ đang phải gánh chịu. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để vận tải biển đáp ứng tốt nhu cầu của toàn xã hội, với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài ra, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng nên chủ động kết hợp, triển khai hạ tầng logistics, đầu tư bài bản cho vận tải biển. Song song với đó, các doanh nghiệp cần chủ động ký kết hợp đồng khách hàng, thương lượng giá cước vận chuyển để không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp cũng như khách hàng. Đây cũng được coi là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp vực dậy, vươn mình phát triển.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.