4 động lực thúc đẩy ngành Logistics phát triển

Logistics được kỳ vọng là một trong những ngành có bước ngoặt đột phá năm 2022. Chính phủ Việt Nam nhận định Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Nó có vai trò thúc đẩy, hỗ trợ, kết nối phát triển nền kinh tế xã hội, mở rộng giao thương trong nước, các nước trong khu vực và toàn thế giới.

4 động lực thúc đẩy ngành Logistics phát triển
4 động lực thúc đẩy ngành Logistics phát triển

Tình hình logistics năm 2021

Năm 2021, nhiều quốc gia xoay sở thích ứng, đối phó với đại dịch covid-19. Theo báo cáo chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021 của Agility cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy logistics Việt Nam có nhiều triển vọng, ngay cả khi đại dịch tàn phá khốc liệt nhiều quốc gia.

Theo số liệu mới nhất được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển công bố, kim ngạch thương mại toàn cầu đạt quy mô kỷ lục 5600 tủ USD trong quý 3 năm 2021. Tính chung cả năm 2021, thương mại toàn cầu bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng 23% so với năm 2020 và 11% so với năm 2019. Tại Việt Nam, khi đỉnh dịch đi qua, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu giao thương tăng mạnh, nước ta vẫn duy trì được các hoạt động xuất nhập khẩu ổn định. Theo số liệu từ Cục Hàng hải, trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành Logistics do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2021, 80% doanh nghiệp đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm so với năm 2020, thậm chí 83% doanh nghiệp còn ghi nhận tăng trưởng so với năm 2019.

Yếu tố tác động đến ngành Logistics toàn cầu năm 2022

Yếu tố tác động đến ngành Logistics toàn cầu năm 2022
Yếu tố tác động đến ngành Logistics toàn cầu năm 2022

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và logistics tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực đến từ trong và ngoài doanh nghiệp như nguồn lực, chi phí vận chuyển, chi phí khi bãi, xung đột chính trị,… Theo cảnh báo, một số yếu tố có tác động mạnh đến lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng 2022 bao gồm:

  • Nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng cao: Dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian dài khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải đóng cửa, hạn chế việc nhập khẩu các hàng hóa từ bên ngoài để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, ngay sau khi các lệnh hạn chế nhập khẩu được gỡ bỏ, nhu cầu nhập khẩu nhiều quốc gia tăng cao.
  • Mất cân đối trong chi phí: Cơ sở hạ tầng logistics đến thời điểm này được đánh giá là chưa thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế, tạo ra áp lực tại các cảng và toàn tuyến phân phối chặng cuối. Bên cạnh đó, thiếu nguồn lực trong logistics là điều đáng lo ngại của doanh nghiệp.
  • Xung đột chính trị: Căng thẳng giữa các cuộc xung đột với các lệnh trừng phạt giữa các quốc gia, nhiều doanh nghiệp vận chuyển phải đối mặt với thách thức trong quan hệ đối tác thương mại.
  • Phát triển bền vững: Khi nền kinh tế dần được phục hồi, các quốc gia cũng quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường. Các lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp đều hướng đến tiêu chí xanh, bền vững. Do đó, các doanh nghiệp vận chuyển cũng cần chú ý, quan tâm và cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng luôn đi đôi với cải thiện môi trường, giảm phát khí CO2.

4 động lực thúc đẩy ngành Logistics năm 2022

4 động lực thúc đẩy phát triển ngành Logistics năm 2022
4 động lực thúc đẩy phát triển ngành Logistics năm 2022

Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tiếp tục tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục bởi có sự giúp đỡ, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là một nguồn lực tiềm năng giúp thúc đẩy ngành Logistics Việt Nam có những bước đột phá mới, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu phát triển.

Thứ hai, đầu tư vận tải đường thủy để thúc đẩy tăng trưởng. Hoạt động vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng đầu năm 2021 ghi nhận hồi phục so với cùng kỳ 2020. Hiện nay, vận tải đường thủy được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khai thác vì những ưu điểm tích cực của nó như có thể vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn, cồng kềnh, tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển. Doanh nghiệp cần chú trọng vào việc khai thác và đầu tư các bến cảng, đảm bảo cho các hoạt động giao thương tại cảng được diễn ra an toàn, thuận tiện.

Thứ ba, hoạt động sản xuất sẽ hồi phục và thích ứng với dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi liên tục vấp phải sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 để lại nhiều tàn dư như thiếu nguồn lực, không đủ nhân công, nguyên liệu để vận hàng sản xuất. Sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2021 do các biện pháp phong tỏa, chỉ số IIP ngành sản xuất tháng 10 đã cho thấy tín hiệu hồi phục khi mức giảm chỉ còn giảm 1.59% so với cùng kỳ và chỉ số PMI cũng phục hồi lên trên mức 50. Chính vì vậy, nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Thứ tư, tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang dần hồi phục. Trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,34 tỷ USD, tăng 7,6%. Xuất khẩu có nhiều triển vọng, được kỳ vọng còn tăng trưởng ở những tháng cuối năm 2022.

Logistics là một ngành đạt được nhiều kỳ vọng trong năm 2022. Sau khi các hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất phục hồi trở lại, logistics cũng liên tục ghi nhận những thành tựu đạt được góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.